3 Quyền Lợi Quan Trọng Của Phụ Nữ Khi Ly Hôn Theo Luật Hôn Nhân Và Gia Đình Việt Nam
Ly hôn là một quyết định khó khăn và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của cả hai bên, đặc biệt là quý chị em phụ nữ. Vậy, pháp luật quy định như thế nào về quyền lợi của phụ nữ khi thực hiện thủ tục ly hôn? Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về 3 quyền lợi quan trọng của phụ nữ khi ly hôn theo Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam. Hãy cùng Luật Sư Riêng tìm hiểu nhé.
Ảnh. 3 Quyền Lợi Quan Trọng Của Phụ Nữ Khi Ly Hôn Theo Luật Hôn Nhân Và Gia Đình Việt Nam
Chồng Không Được Yêu Cầu Ly Hôn Khi Vợ Đang Mang Thai
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án (khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình, gọi tắt là Luật HN&GĐ). Theo đó, khoản 3 Điều 51 khẳng định: chồng không được quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, Luật hạn chế quyền được yêu cầu ly hôn của chồng trong các trường hợp này.
Vợ Ở Nhà Nội Trợ Vẫn Là Lao Động Có Thu Nhập
Khi ly hôn, công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì, phát triển khối tài sản chung là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến việc phân chia tài sản chung vợ chồng. Về nguyên tắc nêu tại khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ, tài sản chung của vợ chồng sẽ được chia đôi nhưng có căn cứ vào hoàn cảnh của gia đình, vợ, chồng, công sức đóng góp… Đặc biệt, quy định này khẳng định, lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi là lao động có thu nhập.
Đồng thời, đây cũng là quy định nêu tại khoản 2 Điều 16 Luật HN&GĐ. Cụ thể, công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi là lao động có thu nhập. Không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập (theo khoản 1 Điều 29 Luật HN&GĐ).
Như vậy, nếu vợ chỉ làm việc nội trợ ở nhà thì vẫn được coi là lao động có thu nhập và không bị phân biệt với chồng đi làm ở bên ngoài. Do đó, khi ly hôn và chia tài sản, công sức đóng góp của vợ làm việc nội trợ cũng bằng với công sức đóng góp khi chồng đi làm việc ở bên ngoài. Chị em phụ nữ đừng sợ khi mình chỉ ở nhà chăm sóc chồng con nhé!
Vợ Được Trực Tiếp Nuôi Con Dưới 36 Tháng Tuổi
Theo Điều 81 Luật HN&GĐ, vợ chồng có thể thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Đặc biệt, nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Đối với những người con dưới 36 tháng tuổi, độ tuổi cần sự chăm sóc, nuôi nấng của mẹ nhất, Luật khẳng định: con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc do cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con thì con có thể được giao cho người cha nuôi.
Khi đó, người nào không trực tiếp nuôi con sẽ phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con và tôn trọng quyền được sống chung với người còn lại của con. Đồng thời, người không trực tiếp nuôi có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không bị ai cản trở.
Như vậy, sau khi ly hôn, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao trực tiếp cho mẹ chăm sóc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc người mẹ không đủ khả năng tạo cho con môi trường phát triển tốt nhất và không có đủ điều kiện để nuôi dạy, chăm sóc con.
Kết Luận
Hy vọng rằng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về quyền lợi của phụ nữ khi ly hôn. Nếu bạn cần tư vấn pháp luật, đừng ngần ngại liên hệ với Công ty Luật TNHH Luật Sư Riêng để được hỗ trợ chi tiết.
CÔNG TY LUẬT TNHH LUẬT SƯ RIÊNG
Địa chỉ trụ sở: 250 Nguyễn Hoàng, Phường An Phú, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 0966 288 855
Email: xuanhonglaw@gmail.com