Tìm kiếm bài viét

 0966 288 855 

 0966 288 855 

Trang chủ»Hỏi đáp Luật Sư»Tin mới»5 Điều kiện Đăng ký kết hôn cần lưu ý

5 Điều kiện Đăng ký kết hôn cần lưu ý

Kết hôn là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người, gắn liền với nhiều trách nhiệm và quyền lợi hợp pháp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ các quy định về điều kiện kết hôn tại Việt Nam, dẫn đến những khó khăn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ và hoàn tất thủ tục. Từ độ tuổi, sự đồng ý tự nguyện đến các điều kiện về sức khỏe và tình trạng hôn nhân, mỗi yếu tố đều có những yêu cầu cụ thể theo quy định của pháp luật. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ 5 điều kiện cần lưu ý khi kết hôn theo quy định hiện hành, giúp bạn và người ấy tránh khỏi những rắc rối pháp lý không mong muốn. Đừng bỏ lỡ các thông tin quan trọng để chuẩn bị cho một hôn nhân hợp pháp và bền vững nhé.

 

>> Xem thêm: Thủ tục đăng ký kết hôn mới nhất: 6 điều cần biết

>> Xem thêm: Hợp đồng hôn nhân có hợp pháp không?

 

Độ tuổi kết hôn: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên

Điều 20 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: “Người thành niên là người từ đủ 18 tuổi trở lên; người thành niên có năng lực dân sự đầy đủ trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự”.

Trong đó, “nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên” được hiểu là nam đã đủ 20 tuổi, nữ đã đủ 18 tuổi trở lên và được xác định theo ngày, tháng, năm sinh (theo khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP).

Khi nam đủ 20 tuổi và nữ đủ 18 tuổi, cả hai đã bước vào độ tuổi thành niên với đầy đủ năng lực pháp lý, có thể tự chịu trách nhiệm trước quyết định của mình, đồng thời đủ khả năng chăm lo và xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con cái tốt.

 

Tăng nhiều mức phạt khi vi phạm điều kiện đăng ký kết hôn

5 điều kiện cần lưu ý khi muốn đăng ký kết hôn (ảnh từ Google)

 

Kết hôn là quyết định tự nguyện từ cả nam và nữ

Một trong những nguyên tắc cơ bản của hôn nhân là sự tự nguyện và tiến bộ. Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) cũng nhấn mạnh rằng Nhà nước có trách nhiệm ban hành chính sách và thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo việc nam, nữ xác lập hôn nhân trên tinh thần tự nguyện và tiến bộ.

Đồng thời, Luật này quy định rõ ràng rằng các hành vi cưỡng ép hay cản trở kết hôn đều bị nghiêm cấm. Trong trường hợp bị cưỡng ép kết hôn, cá nhân có quyền trực tiếp yêu cầu, hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức khác yêu cầu Tòa án hủy bỏ hôn nhân trái pháp luật này.

 

Không bị mất năng lực hành vi dân sự

Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (theo Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2015).

Người mất năng lực hành vi dân sự là người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi, được Tòa án ra quyết định tuyên bố người này mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Do đó, khi việc đăng ký kết hôn cần phải dựa vào ý chí của hai người nam, nữ, do hai người tự nguyện, tự thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền, đủ độ tuổi quy định thì không thể bị mất năng lực hành vi dân sự.

 

Không rơi vào các trường hợp bị cấm kết hôn

Một trong những điều kiện không thể thiếu khi đăng ký kết hôn là không thuộc trường hợp bị cấm kết hôn nêu tại Điều 5 Luật HN&GĐ:


Kết hôn giả tạo

Kết hôn là việc nam, nữ đăng ký với cơ quan Nhà nước khi đáp ứng các điều kiện kết hôn để xây dựng gia đình. Do đó, có thể hiểu, kết hôn giả tạo là việc kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình.

Đây cũng là giải thích được nêu tại khoản 11 Điều 3 Luật HN&GĐ:

Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình

Do đó, kết hôn giả tạo là một trong những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Nếu vi phạm, theo điểm d khoản 2 Điều 59 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.


Tảo hôn

Theo phân tích ở trên, nam nữ chỉ được kết hôn nếu đáp ứng điều kiện về tuổi. Đây là một trong những điều kiện để quan hệ hôn nhân, gia đình được pháp luật công nhận). Khoản 8 Điều 3 Luật HN&GĐ định nghĩa:

Tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn

Bởi vậy, nếu nam, nữ tảo hôn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

- Xử phạt hành chính: Phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng nếu tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn; Phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng nếu duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án (Căn cứ Điều 58 Nghị định 82).

- Chịu trách nhiệm hình sự: Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đặt ra với người tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm (theo Điều 183 Tội tổ chức tảo hôn trong Bộ luật Hình sự hiện hành).

 

Cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn

Theo khoản 9 Điều 3 Luật HN&GĐ, cưỡng ép kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn trái với ý muốn của họ.

Đây là hai trong những hành vi bị cấm trong việc đăng ký kết hôn tại Điều 5 Luật HN&GĐ. Do đó, điểm c khoản 2 Điều 59 Nghị định 82 quy định phạt tiền người vi phạm từ 10 - 20 triệu đồng.


Cản trở kết hôn

Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn (theo khoản 10 Điều 3 Luật HN&GĐ).

Khi đó, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82/2020.

 

Ngoài ra, nếu cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc thủ đoạn khác, đã bị xử phạt hành chính mà còn vi phạm thì bị phạt bằng một trong các hình phạt nêu tại Điều 181 Bộ luật Hình sự về Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ:

- Cảnh cáo;

- Cải tạo không giam giữ đến 03 năm;

- Phạt tù từ 03 tháng - 03 năm.


Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ hoặc có chồng

Khoản 7 Điều 3 Luật HN&GĐ giải thích cụ thể việc chung sống như vợ chồng như sau:

Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng

Tuy nhiên, pháp luật lại nghiêm cấm các hành vi chung sống hoặc kết hôn sau đây:

- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác;

- Chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.

Khi đó, căn cứ khoản 1 Điều 59 Nghị định 82, người có hành vi nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng.

Đặc biệt, nếu hành vi này làm cho quan hệ hôn nhân của một trong hai bên dẫn đến ly hôn thậm chí làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát thì còn phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng tại Điều 182 Bộ luật Hình sự với hình phạt cao nhất đến 03 năm tù.


Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với những người bị cấm sau

Các mối quan hệ bị cấm khi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng được quy định chi tiết tại điểm d khoản 2 Điều 5 Luật HN&GĐ gồm:

- Người cùng dòng máu trực hệ;

Giữa những người có họ trong phạm vi 03 đời;

- Giữa cha mẹ nuôi với con nuôi hoặc đã từng là cha mẹ nuôi với con nuôi;

- Giữa cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng theo khoản 2 Điều 59 Nghị định 82.

 

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân đồng tính

Hôn nhân giữa những người cùng giới tính hay còn gọi là hôn nhân đồng giới. Trước đây, tại Luật HN&GĐ năm 2000, Nhà nước nghiêm cấm kết hôn đồng giới. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 8 Luật năm 2014 quy định này đã thay đổi:

Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính

Đây có thể coi là một trong những tiến bộ không hề nhỏ với những người đồng tính. Theo quy định này, những người cùng giới tính có thể sống chung với nhau nhưng không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ quan hệ hôn nhân, gia đình.

Trên đây là điều kiện kết hôn theo quy định mới nhất hiện nay mà cặp đôi nào có ý định kết hôn nhất định phải tìm hiểu thật kỹ. 

 

Về chúng tôi
Chúng tôi, tại Công ty Luật TNHH Luật sư Riêng, tin rằng pháp luật không chỉ là văn bản mà còn là công cụ mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp và cá nhân.
Dịch vụ
CÔNG TY LUẬT TNHH LUẬT SƯ RIÊNG

Địa chỉ: 250 Nguyễn Hoàng, P. An Phú, TP Thủ Đức, TP HCM

Email: xuanhonglaw@gmail.com

Tel: 0966 288 855

MST: 0311412260