- BÀN VỀ CHI PHÍ QUẢN TÀI VIÊN,
- DOANH NGHIỆP QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN
- I. Các cơ sở pháp lý hiện nay về chi phí Quản tài viên, Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong vụ việc phá sản
- II. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ THỰC TIỄN THI HÀNH
- III. THAM KHẢO PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ VẤN ĐỀ NÀY:
- IV. NHỮNG ĐỀ XUẤT TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT PHÁ SẢN 2014
- THAM LUẬN
“Hội thảo về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; kết hợp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng kiến thức pháp luật cho Quản tài viên”
BÀN VỀ CHI PHÍ QUẢN TÀI VIÊN,
DOANH NGHIỆP QUẢN LÝ, THANH LÝ TÀI SẢN
QUY ĐỊNH PHÁP LÝ VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN
Thẩm phán Phùng Thị Như Mai
Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh
I. Các cơ sở pháp lý hiện nay về chi phí Quản tài viên, Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong vụ việc phá sản
1. Luật Phá sản năm 2014:
Theo quy định tại Luật Phá sản năm 2014 thì Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có những quyền và nghĩa vụ như sau:
“Điều 16. Quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
1. Quản lý tài sản, giám sát hoạt động kinh doanh, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, gồm:
a) Xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã;
b) Lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ;
c) Bảo quản tài sản; ngăn chặn việc bán, chuyển giao tài sản mà không được phép của Thẩm phán; ngăn chặn việc tẩu tán tài sản; tối đa hóa giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã khi bán, thanh lý tài sản;
d) Giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định của pháp luật;
đ) Được thuê cá nhân, tổ chức thực hiện công việc theo quy định của pháp luật;
e) Đề xuất với Thẩm phán về việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã để bảo đảm chi phí phá sản;
g) Bán tài sản theo quyết định của Thẩm phán để bảo đảm chi phí phá sản;
h) Tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản theo quy định của Luật này; báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo đến người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản;
i) Gửi các khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng.
2. Đại diện cho doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo pháp luật.
3. Báo cáo về tình trạng tài sản, công nợ và hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã, tham gia xây dựng kế hoạch phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
4. Đề nghị Thẩm phán tiến hành các công việc sau:
a) Thu thập tài liệu, chứng cứ;
b) Tuyên bố giao dịch vô hiệu và quyết định thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị bán hoặc chuyển giao bất hợp pháp;
c) Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; áp dụng biện pháp xử phạt hành chính; chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền xử lý về hình sự theo quy định của pháp luật.
5. Được hưởng thù lao và thực hiện trách nhiệm bảo hiểm nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
6. Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo yêu cầu của Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự; chịu trách nhiệm trước Thẩm phán, cơ quan thi hành án dân sự và pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.”
Ảnh. Quản tài viên Đinh Xuân Hồng phát biểu tại Hội nghị
2. Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (Nghị định số 22/2022/NĐ-CP):
Như viện dẫn ở trên, Luật phá sản năm 2014 chỉ quy định rất ngắn gọn tại khoản 5 Điều 16 về việc Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản “Được hưởng thù lao” mà không quy định cụ thể nội dung này. Tuy nhiên, Nghị định số 22/2015/NĐ-CP cụ thể như sau:
“Điều 21. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản
1. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bao gồm thù lao Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chi phí khác.
2. Thù lao được tính dựa trên các căn cứ sau đây:
a) Thời gian Quản tài viên sử dụng để thực hiện nhiệm vụ;
b) Công sức của Quản tài viên trong việc thực hiện nhiệm vụ;
c) Kết quả thực hiện nhiệm vụ của Quản tài viên.
3. Thù lao được tính dựa trên một hoặc các phương thức sau đây:
a) Giờ làm việc của Quản tài viên;
b) Mức thù lao trọn gói;
c) Mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thu được sau khi thanh lý.
4. Mức thù lao được xác định cụ thể như sau:
a) Đối với trường hợp Tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 86 của Luật Phá sản thì mức thù lao do Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thỏa thuận trên cơ sở xem xét, áp dụng căn cứ quy định tại Khoản 2 và phương thức quy định Khoản 3 Điều này;
b) Đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định tại khoản 3 Điều 80, khoản 4 Điều 83, khoản 7 Điều 91 của Luật Phá sản thì mức thù lao được xác định như sau:
TT |
Tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý |
Mức thù lao |
1 |
Dưới 100 triệu đồng |
5% tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý |
2 |
Từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng |
5 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 4% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 100 triệu đồng |
3 |
Từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng |
20 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 3% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 500 triệu đồng |
4 |
Từ trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng |
36 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 2% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 1 tỷ đồng |
5 |
Từ trên 10 tỷ đến 50 tỷ đồng |
Mức thù lao đối với tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý đến 10 tỷ đồng xác định theo mục 4 của Bảng này + 0,5% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 10 tỷ đồng |
6 |
Từ trên 50 tỷ đồng |
Mức thù lao đối với tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý đến 50 tỷ đồng xác định theo mục 5 của Bảng này + 0,3% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 50 tỷ đồng. |
c) Đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản theo quy định tại Điểm b hoặc điểm c khoản 1 Điều 95 của Luật Phá sản thì thù lao bao gồm mức thù lao được xác định theo từng trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này cộng với thù lao giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện phương án phục hồi kinh doanh. Thù lao giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thỏa thuận trên cơ sở căn cứ quy định tại Khoản 2 và phương thức quy định tại Khoản 3 Điều này;
d) Đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp thực hiện xong phương án phục hồi kinh doanh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 95 của Luật Phá sản thì mức thù lao do Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thỏa thuận trên cơ sở căn cứ quy định tại Khoản 2 và phương thức quy định tại khoản 3 Điều này.
5. Trong trường hợp Hội nghị chủ nợ và Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thỏa thuận khác về mức thù lao quy định tại khoản 4 Điều này thì mức thù lao được áp dụng theo thỏa thuận đó.
6. Trong trường hợp phá sản tổ chức tín dụng theo quy định tại Chương VIII của Luật Phá sản thì thù lao Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được xác định theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 4 Điều này.
7. Chi phí khác của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bao gồm tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện hoạt động quản lý, thanh lý tài sản. Việc thanh, quyết toán chi phí khác của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
8. Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản căn cứ vào từng vụ việc cụ thể quyết định mức tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nhận chi phí tạm ứng thực hiện việc thanh, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.”
3. Công văn số 199/TANDTC-PC ngày 18/12/2020: Công văn của Tòa án nhân dân Tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản.
Trong nội dung công văn giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục giải quyết phá sản tại Tòa án. Một số nội dung liên quan đến chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản như sau:
4. Trường hợp sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà thấy rằng số tiền tạm ứng chi phí phá sản do người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nộp không đủ thì Tòa án có yêu cầu người nộp đơn nộp bổ sung tiền tạm ứng chi phí phá sản nữa không?
“Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” (khoản 14 Điều 4 Luật Phá sản).
“Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật Phá sản.” (khoản 2 Điều 23 Luật Phá sản).
Như vậy, việc nộp tạm ứng chi phí phá sản là nghĩa vụ bắt buộc của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi họ nộp đơn và khoản tiền tạm ứng do Tòa án quyết định chỉ là dự tính ban đầu để có căn cứ cho người yêu cầu nộp (khoản 1 Điều 38 Luật Phá sản) trên cơ sở quy định tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP.
Do vậy, trong quá trình giải quyết phá sản nếu xét thấy phát sinh các chi phí tiếp theo để Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản hoạt động giải quyết phá sản thì Tòa án có quyền yêu cầu người nộp đơn phải tiếp tục nộp tạm ứng chi phí phá sản.
Nếu người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không nộp bổ sung tạm ứng chi phí phá sản thì căn cứ vào các quy định tại điểm e khoản 1 Điều 16, khoản 6 Điều 9 và khoản 3 Điều 23 Luật Phá sản, Thẩm phán tự mình hoặc theo yêu cầu của Quản tài viên quyết định việc bán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán sau khi mở thủ tục phá sản để bảo đảm chi phí phá sản và giao cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm trả đủ chi phí phá sản.
5. Theo quy định tại Điều 38 Luật Phá sản thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp tạm ứng chi phí phá sản. Căn cứ để Tòa án tính tạm ứng chi phí phá sản như thế nào?
"Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản” (khoản 14 Điều 4 Luật Phá sản).
"... Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản..." (khoản 1 Điều 38 Luật Phá sản).
Như vậy, tùy từng vụ việc phá sản, Tòa án căn cứ mức thu lệ phí của Báo địa phương, thực tế tại địa phương về hoạt động của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và trên cơ sở quy định tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP để quyết định số tiền tạm ứng chi phí phá sản, trong đó có khoản tiền tạm ứng ban đầu cho Quản tài viên.
25. Chi phí phá sản có cần thiết phải nêu trong Quyết định tuyên bố phá sản không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 54, điểm h khoản 1 Điều 108 Luật Phá sản thì chi phí phá sản phải được nêu trong phần phương án phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản của Quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, Thẩm phán không phải nêu cụ thể số tiền chi phí phá sản. Bởi lẽ, chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật. Sau khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản thì cơ quan thi hành án tiến hành việc thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Ở giai đoạn thi hành quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn tiếp tục phát sinh chi phí phá sản. Do đó, Tòa án không thể xác định được chính xác số tiền chi phí phá sản ở thời điểm ra quyết định tuyên bố phá sản.”
Tính đến thời điểm hiện nay thì các văn bản viện dẫn nêu trên là căn cứ pháp lý để thực hiện về chi phí quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong vụ việc phá sản, chưa có quy định nào bổ sung, thay thế. Thực tiễn áp dụng các quy định này gặp nhiều vướng mắc.
II. ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ THỰC TIỄN THI HÀNH
Theo báo cáo tổng kết thi hành Luật phá sản năm 2014 (lập năm 2024) thì tính đến tháng 12/2023, tính từ năm 2015-2023, các tòa án đã thụ lý 1.510 vụ việc phá sản. Trong đó, tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá ản đối với 554 vụ việc; trả lại đơn 66 vụ việc (trong đó có 01 vụ yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với hợp tác xã do đương sự rút đơn nên Tòa án đã trả lại đơn yêu cầu).
Thời gian giải quyết phụ thuộc vào tính chất, mức độ phức tạp của từng vụ việc cũng như sự hợp tác của doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán. Có vụ việc phá sản bị kéo dài 10 năm, 16 năm đến nay vẫn đang thi hành. Vụ việc phá sản giải quyết nhanh nhất trong thời gian 01 tháng do doanh nghiệp đã mất khả năng thanh toán, không còn tiền, tài sản để thực hiện phương án phân chia tài sản.
Cũng theo dự thảo báo cáo, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã tiếp nhận hơn 500 vụ việc, tổng số tiền thù lao thu về hơn 8 tỷ đồng, tổng số tiền nộp thuế hơn 400 triệu đồng. Nếu theo số liệu tại báo cáo thì tính trung bình thù lao của một vụ việc cho Quản tài viên sau khi trừ thuế là 15.200.000 đồng.
Về kết quả thi hành án thì theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ ngày 01/01/2015 đến hết ngày 31/12/2023, tổng số tiền và tỷ lệ thi hành xong các quyết định của Tòa án giải quyết phá sản tằng từ 84,62% trên 42 vụ việc (khoảng 35 vụ việc)), thụ lý lên 31,68% trên 324 vụ việc (khoảng 102 vụ việc). Số tiền thi hành được là hơn 1.000 tỷ đồng.
Nếu căn cứ kết quả báo cáo thì thù lao Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là quá thấp so với khối lượng công việc phải thực hiện trong bối cảnh vụ việc phá sản được Tòa án thụ lý ngày càng tăng cả về số lượng và quy mô doanh nghiệp.
Luật Phá sản năm 2014 chưa quy định căn cứ tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản nên việc thực hiện chưa thống nhất.
Bên cạnh đó, mỗi vụ việc phá sản có những bước tiến hành, tính phức tạpkhác nhau trong quá trình giải quyết (ví dụ: tiến hành các bước để lập danh sách chủ nợ trong và ngoài nước; kiểm đếm tài sản ở nhiều địa bàn trong và ngoài nước; có hoặc không tài sản trục vớt, bảo quản, gửi giữ, lữu kho phải đánh giá thẩm định…) Vì vậy, Thẩm phán khó lường trước mức độ phức tạp của những loại việc sẽ phải làm khi mới chỉ nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, dẫn đếnkhó khăn trong tính chi phí thù lao cho các Quản tài viên và các chi phí khác. Nhiều việc việc giải quyết phá sản thời gian giải quyết kéo dài, thủ tục phức tạm, mức tạm ứng chi phí không đủ bù đắp chi phí phải chi trả;
Luật Phá sản năm 2014 chưa có quy định về nguồn kinh phí để chi trả cho các chiphí phát sinh trong quá trình giải quyết phá sản đối với trường hợp như:
Doanh nghiệp, Hợp tác xã không còn tài sản nhưng từ chối khởi kiện đòi nợ. Quản tài viên có được quyền đề nghị Tòa án buộc doanh nghiệp khởi kiện hay không. Trường hợp này doanh nghiệp có được xem là không còn tài sản khác không?
Về chi phí phá sản trong trường hợp người yêu cầu mở thủ tục phá sản khôngphải nộp tạm ứng chi phí phá sản.Theo quy định tại Điều 23 Luật Phá sản, trường hợp này Thẩm phán giao Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản bán một số tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán để bảo đảm chi phí phá sản; tuy nhiên, Luật chưa quy định các chi phí phátsinh từ việc Quản tài viên, doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thực hiện bán tài sản như chi phí về định giá,bán đấu giá tài sản... khi được chi trả, thực hiện như thế nào.
Luật Phá sản 2014 chưa quy định thẩm quyền, thủ tục thanh toán chi phí phá sản nên dẫn đến những cách hiểu và thực hiện khác nhau; có trường hợp Quản tài viên tự trừ từ nguồn tiền bán tài sản, sau đó mới chuyển số tiền còn lại cho Chấp hành viên; có trường hợp Quản tài viên chuyển cho Chấp hành viên toàn bộ tiền thu được, sau đó Chấp hành viên thanh toán cho Quản tài viên.
Về thù lao, cần thiết lập cơ chế giải quyết vấn đề thù lao cho quản tài viên và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán số tiền thù lao đó.
III. THAM KHẢO PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ VẤN ĐỀ NÀY:
Theo thông lệ quốc tế và cũng là quy định của pháp luật Việt Nam thì thù lao của Quản tài viên được tính trên cơ sở sau: (1) thời gian thực hiện nhiệm vụ của mình; (2) nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình; (3) kết quả hoạt động của Quản tài viên. Có ba phương pháp có thể áp dụng: (1) số giờ làm việc; (2) trả một lần; (3) tiền thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm trên tổng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản có được sau khi kết thúc thủ tục tố tụng.
Ở Pháp, mức thù lao của Quản tài viên được xác định nghiêm ngặt theo luật, dưới sự giám sát của thẩm phán. Trong thủ tục hòa giải thân thiện trước khi phá sản, phí hòa giải được thỏa thuận với bên nợ nhưng phải được công tố viên xem xét lại thỏa thuận đó. Trong thủ tục thanh lý ở Pháp, mức thù lao của Quản tài viên được pháp luật quy định rất chi tiết. Danh mục không dựa trên mức lương theo giờ mà dựa trên bản chất của các hành vi và kết quả của việc tạo ra tài sản. Tuy nhiên, trong những trường hợp phức tạp, tòa án có thể thỏa thuận mức thù lao dựa trên mức lương theo giờ.
Ở Đức, thù lao của Quản tài viên dựa trên kết quả xử lý tài sản và mức lương theo giờ. Thông thường, người ta ước tính theo nguyên tắc chung rằng thù lao của người quản lý tình trạng mất khả năng thanh toán là khoảng 10% giá trị thanh lý của tài sản. Cách tiếp cận mà Luật Phá sản nên áp dụng để xác định và tính toán chi phí phá sản phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế tốt nhất là khi bắt đầu tố tụng, tòa án nên ấn định một khoản tiền một lần để trang trải các chi phí trong một khoảng thời gian giới hạn, chẳng hạn từ một đến ba tháng, để đảm bảo thanh toán một khoản thù lao hợp lý. Thời điểm này có vẻ cần thiết để tiến hành tất cả các biện pháp 17 hành chính sơ bộ sẽ được thực hiện khi bắt đầu thủ tục tố tụng. Việc tính toán số tiền gộp đó có thể tính đến số giờ ước tính mà Quản tài viên sẽ phải sử dụng và giá trị ước tính của khối tài sản phá sản. Sau khi Quản tài viên đánh giá hồ sơ, Quản tài viên có thể báo cáo lại tòa án để yêu cầu trả thêm khoản thù lao một lần.
Tùy thuộc vào mục tiêu của quá trình tố tụng (phục hồi hoặc thanh lý), cách tiếp cận hai bước này sẽ cho phép những người tham gia thống nhất về cơ cấu thù lao của Quản tài viên (dựa trên mức lương theo giờ và/hoặc hiệu suất). Cách tiếp cận hai bước khá linh hoạt này cũng sẽ cho phép tòa án giám sát chặt chẽ mức thù lao của Quản tài viên, trên cơ sở từng trường hợp cụ thể và thực hiện, nếu cần, những điều chỉnh cần thiết.
IV. NHỮNG ĐỀ XUẤT TRONG DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT PHÁ SẢN 2014
Nhận thấy những bất cập, vướng mắc của Luật Phá sản năm 2014, Dự thảo Luật Phá sản hiện đang được lấy ý kiến để sửa đổi bổ sung với một số nội dung như sau liên quan đến chi phí phá sản của Quản tài viên và Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản như sau:
- Sửa đổi về Chi phí phá sản là … chi phí bảo quản tài sản, chi phí thẩm định giá tài sản, bán đấu giá tài sản, cưỡng chế thu hồi tài sản, chi phí hoạt động của ban đại diện chủ nợ …;
- Bổ sung giải thích thuật ngữ “Chi phí phục hồi” (Tương tự chi phí phá sản sửa đổi phù hợp với thủ tục phục hồi;
- Bổ sung giải thích thuật ngữ “Tạm ứng chi phí phục hồi” (Tương tự chi phí tạm ứng phá sản sửa đổi phù hợp với thủ tục phục hồi);
- Chi phí phục hồi, tạm ứng chi phí phục hồi (Mới) Tương tự như quy định về chi phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản nhưng chỉnh lý phù hợp với thủ tục phục hồi
- Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong thủ tục phục hồi (Mới): Là khoản tiền phải chi trả cho việc thực hiện thủ tục phục hồi bao gồm thù lao quản tài viên và tiền thưởng theo quy định; Tính toán dựa trên thời gian, công sức và kết quả thực hiện nhiệm vụ;
- Chi phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản (Sửa đổi, bổ sung Điều 23) - Bổ sung Ngân sách Nhà nước tạm ứng chi phí phá sản trong trường hợp người nộp đơn được miễn.
- Bổ sung Trường hợp Tòa án không có đủ căn cứ để tính tạm ứng chi phí phá sản thì người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản là 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng). Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tiền, tài sản thì người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không được hoàn lại tạm ứng chi phí phá sản đã nộp.
- Bổ sung quy định Chính phủ quy định chi tiết về việc tạm ứng chi phí phá sản Điều ... Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong thủ tục phá sản: Là khoản tiền phải chi trả cho việc thực hiện thủ tục phá sản hồi bao gồm thù lao quản tài viên và tiền thưởng theo quy định; Tính toán dựa trên thời gian, công sức và kết quả thực hiện nhiệm vụ;
- Xử lý tiền tạm ứng chi phí phá sản (Mới)
- Thủ tục nộp, thanh toán chi phí phá sản (Mới)
- Quyền, nghĩa vụ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (Sửa đổi, bổ sung Điều 16) - Bổ sung thêm nội dung chi phí phá sản, cưỡng chế thu hồi tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; - Bổ sung nhiệm vụ phân loại khoản nợ của quản tài viên; - Bổ sung thêm quyền đại diện giải quyết tranh chấp về tài sản phá sản - Bổ sung thêm nội dung Chính phủ quy định chi tiết tạm ứng chi phí phá sản, thủ tục mở, quản lý tài khoản mở tại Ngân hàng./.
THAM LUẬN
Thực trạng quản lý nhà nước về quản tài viên và hành nghề quản lý,
thanh lý tài sản; giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật
Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh
I. Thực trạng quản lý nhà nước về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản
1. Công tác triển khai thực hiện pháp luật về phá sản
Ngay sau khi Luật Phá sản năm 2014 được Quốc hội ban hành, Chính phủ ban hành Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ký Quyết định số 3960/QĐ-UBND ngày 12/8/2015 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phá sản về Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, ngày 21/9/2015, Sở Tư pháp đã chủ động ban hành Kế hoạch số 5005/KH-STP-BTTP để triển khai thực hiện tại Sở Tư pháp.
Để triển khai 02 kế hoạch này, Sở Tư pháp đã thực hiện các công việc sau:
- Công bố thủ tục hành chính trong lĩnh vực Quản tài viên và doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở Tư pháp (Quyết định số 2103/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố về công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp được chuẩn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh); thực hiện công tác đăng ký, thay đổi, giải thể, chấm dứt hoạt động đối với Quản tài viên và doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.
- Triển khai thực hiện Thông tư số 224/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề, hoạt động quản lý, thanh lý tài sản; lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên.
- Sở Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân Thành phố, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, Cục Thi hành án dân sự Thành phố ban hành Quy chế phối hợp số 1085/QCPH-STP-TA-VKS-THA ngày 22/3/2022 về tăng cường công tác quản lý nhà nước và giám sát hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày 03/8/2022, Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 3622/KH-STP-BTTP về triển khai thực hiện Quy chế phối hợp tăng cường công tác quản lý nhà nước và giám sát hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tại Sở Tư pháp.
2. Về công tác tuyên truyền pháp luật về phá sản
Xây dựng chuyên Trang “Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại Thành phố Hồ Chí Minh” trên Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp để đăng tải danh sách Quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, cập nhật quy định pháp luật, hướng dẫn hành nghề của Bộ Tư pháp…, qua đó giúp cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan truy cập.
Xây dựng, phát hành 10.000 tờ rơi tuyên truyền chế định Quản tài viên đến Hiệp hội doanh nghiệp thành phố, Hội doanh nghiệp 24 quận/huyện, Tòa án nhân dân thành phố, Tòa án nhân dân 24 quận, huyện để thông tin về: chế định Quản tài viên, hình thức hành nghề, quyền và nghĩa vụ của Quản tài viên, chi phí thực hiện công việc quản lý, thanh lý tài sản, công bố danh sách Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Xây dựng, phát hành Tờ rơi điện tử “Giới thiệu về quản tài viên và doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản”, đăng tải trên Công thông tin điện tử Sở Tư pháp
3. Công tác quản lý nhà nước về Quản tài viên
Để hỗ trợ phát triển hành nghề quản lý, thanh lý tài sản ở địa phương, thường xuyên rà soát các quy định, kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố công bố, công bố lại danh mục thủ tục hành chinh trong lĩnh vực quản lý, thanh lý tài sản để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc theo dõi và thực hiện thủ tục hành chính như: Ban hành Quyết định số 2103/QĐ-UBND ngày 28/4/2016 về việc công bố thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp được chuẩn hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có 05 thủ tục thuộc lĩnh vực Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; ban hành Quyết định số 2700/QĐ-UNBD ngày 29/6/2018 công bố thủ tục hành chính mới ban hành, được sửa đổi, bổ sung, thay thế và bị bãi bỏ thuộc phạm vi chức năng quản lý ở Sở Tư pháp, trong đó có 05 thủ tục lĩnh vực Quản tài viên được sửa đổi; Công bố danh mục thủ tục hành chính, trong đó có lĩnh vực Quản tài viên tại Quyết định số 3651/QĐ-UBND ngày 05/10/2020 của Ủy ban nhân dân Thành phố. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất phương án, chuẩn hóa quy trình tạo sự tiện lợi cho người nộp hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết như xây dựng “Quy trình kết hợp nhóm thủ tục hành chính có thành phần hồ sơ là phiếu lý lịch tư pháp thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp” (được ban hành tại Quyết định số 613/QĐ-STP ngày 30/11/2017), trong đó áp dụng đối với thủ tục đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1, số 2 cho cá nhân.
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, Sở Tư pháp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008, 9001:2015 để minh bạch hồ sơ đang giải quyết; tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền tiếp nhận của Sở Tư pháp, trong đó có lĩnh vực quản lý, thanh lý tài sản (Quyết định số 1464/QĐ-UBND ngày 04/5/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố); xây dựng và áp dụng phần mềm quản lý các tổ chức bổ trợ tư pháp (trong đó có lĩnh vực quản lý, thanh lý tài sản) để việc theo dõi, quản lý khoa học, chính xác, tiết kiệm thời gian; đảm bảo giải quyết hồ sơ đăng ký hoạt động, thay đổi nội dung hoạt động… theo đúng trình tự quy định, trả kết quả đúng thời hạn.
Sở Tư pháp đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về công tác quản lý, thanh lý tài sản, thông qua đó, Sở Tư pháp kịp thời nắm bắt tình hình tổ chức hoạt động, bồi dưỡng nghiệp vụ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với quản tài viên và doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố.
Sở Tư pháp thực hiện rà soát, định kỳ công bố danh sách cá nhân, doanh nghiệp đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp thực hiện thông báo đến Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp về việc ghi nhận vào danh sách quản tài viên tại văn bản giải quyết hồ sơ đăng ký hành nghề Quản tài viên.
Trong công tác rà soát, thống kê và báo cáo số liệu về quản tài viên và doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, ngày 20/3/2019, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BTP quy định một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp và có hiệu lực kể từ ngày 15/5/2019. Triển khai thực hiện Thông tư số 03/2019/TT-BTP, Sở Tư pháp đã ban hành Công văn số 2454/STP-BTTP ngày 06/5/2019 và Công văn số 7361/STP-BTTP ngày 16/12/2019 hướng dẫn, đề nghị các quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân và các doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện báo cáo theo quy định. Công tác báo cáo thống kê tình hình tổ chức và hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố được thực hiện thường xuyên, kịp thời nắm tình hình, những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải pháp cho Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, giải quyết.
II. Về tổ chức bộ máy hoạt động quản lý, thanh lý tài sản
1. Về tổ chức
Từ khi Nghị định số 22/2015/NĐ-CP được ban hành, số lượng Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân và doanh nghiệp đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng tăng theo từng năm. Tính đến ngày 30/9/2024, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 136 Quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân và 48 doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản. Quá trình giải quyết hồ sơ đăng ký hành nghề cho thấy việc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố tương đối ổn định, một số Quản tài viên kiêm nhiệm hành nghề luật sư, đấu giá viên.
2. Về hoạt động
Về số lượng vụ việc quản lý, thanh lý tài sản, theo số liệu báo cáo từ các Quản tài viên hành nghề với tư các cá nhân và doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh thì từ năm 2015 đến ngày 31/12/2023 đã tiếp nhận 431 vụ việc, số tiền thù lao thu được là 7.554.097.596 đồng, số tiền nộp thuế và nghĩa vụ tài chính là 442.228.634 đồng. Cụ thể:
Năm
|
Số lượng vụ việc đã tiếp nhận
|
Số tiền thù lao thu được (đồng)
|
Số tiền nộp thuế và nghĩa vụ tài chính (đồng)
|
2015
|
1
|
-
|
-
|
2016
|
6
|
100.000.000
|
-
|
2017
|
26
|
30.000.000
|
-
|
2018
|
55
|
1.861.169.500
|
21.500.000
|
2019
|
48
|
914.204.733
|
92.927.703
|
2020
|
71
|
1.077.389.580
|
90.996.582
|
2021
|
63
|
1.124.282.850
|
108.889.351
|
2022
|
73
|
1.016.591.682
|
44.516.135
|
2023
|
88
|
1.430.459.251
|
83.398.863
|
Tổng cộng
|
431
|
7.554.097.596
|
442.228.634
|
Nhìn chung, hoạt động của các Quản tài viên và doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố cơ bản đi vào nền nếp, chất lượng đảm bảo theo quy định pháp luật.
III. Nhận xét, đánh giá
1. Mặt được
Việc triển khai thực hiện tổ chức và hoạt động quản lý, thanh lý tài sản tại Thành phố đảm bảo đúng chủ trương, quy định pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp, huy động được nguồn lực xã hội trong việc xã hội hóa một số lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
2. Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị
Công tác quản lý Nhà nước về tổ chức và hoạt động quản lý, thanh lý tài sản được chú trọng, tăng cường thông qua việc thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền, giải quyết khó khăn vướng mắc để tiếp tục nâng cao chất lượng nghề nghiệp phục vụ người dân và hiệu quả công tác quản lý. Một số khó khăn, vướng mắc như sau:
- Về cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký hành nghề của doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản: Theo Khoản 1 Điều 13 Luật Phá sản quy định hai loại hình doanh nghiệp được hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong quá trình giải quyết phá sản gồm Công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân. Theo Điều 12 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP: “Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Luật Phá sản sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở”. So với các lĩnh vực bổ trợ tư pháp khác, để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản, doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp. Tuy nhiên, quá trình giải quyết hồ sơ cho thấy đã phát sinh một số bất cập như sau:
Một là, sau khi được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không có quy định về thời hạn thực hiện việc đăng ký hành nghề tại Sở Tư pháp.
Hai là, loại hình doanh nghiệp bị giới hạn bởi 02 loại hình là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh. Trong khi đó, một số trường hợp cá nhân thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp hành nghề quản tài viên kiêm nhiệm hành nghề luật sư với tư cách là thành viên hợp danh hoặc chủ sở hữu tại tổ chức hành nghề luật sư do Sở Tư pháp cấp giấy đăng ký hoạt động, với loại hình tương tự là công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Điều này dẫn đến trường hợp sẽ vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp về điều kiện tổ chức hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh.
- Về tên gọi doanh nghiệp hành nghề quản lý thanh lý tài sản: Hiện nay, Luật Phá sản và Nghị định 22/2015/NĐ-CP chưa có quy định phân biệt về tên gọi của doanh nghiệp có ngành, nghề quản lý thanh lý tài sản. Do vậy, để xác định chức năng kinh doanh của các doanh nghiệp quản lý thanh lý tài sản, kiến nghị bổ sung quy định về tên gọi doanh nghiệp theo chức năng ngành, nghề quản tài viên (tương tự các lĩnh vực bổ trợ khác như: công chứng, luật sư, thừa phát lại…)
- Luật Phá sản và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP hướng dẫn liên quan đến việc đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản chỉ yêu cầu việc xác định nơi thường trú của Quản tài viên đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân mà không áp dụng đối với Quản tài viên đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trong doanh nghiệp, do vậy, quyền đăng ký hành nghề của Quản tài viên tại doanh nghiệp là không giới hạn tại các địa bàn trong cả nước. Bên cạnh đó, hiện nay không có cơ sở dữ liệu chung để rà soát Quản tài viên đã đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân hoặc đã hành nghề tại một doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong cả nước. Điều này dẫn đến có trường hợp Quản tài viên vừa đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân tại nơi thường trú, vừa đăng ký hành nghề trong doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
- Một số quy định của Luật Phá sản về thời gian trả lời doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán (Khoản 3 Điều 49 Luật Phá sản), thời hạn gửi giấy đòi nợ của chủ nợ cho Quản tài viên (Khoản 1 Điều 66 Luật Phá sản), thời gian lập danh sách chủ nợ (Khoản 1 Điều 67 Luật Phá sản), thời gian lập danh sách người mắc nợ và niêm yết công khai tại Tòa án nhân dân (Khoản 2 Điều 68 Luật Phá sản) quá ngắn đối với những vụ việc phức tạp.
- Về khái niệm phá sản và khái niệm mất khả năng thanh toán (Điều 4 Luật Phá sản) hiện vẫn còn có cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng khi giải quyết các vụ việc phá sản không thống nhất, dễ dẫn đến việc chủ nợ lạm dụng việc mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp để nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản, thay vì khởi kiện bằng một vụ án dân sự.
- Về chi phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (Điều 23, Điều 24 Luật Phá sản) chưa có hướng dẫn cụ thể nên còn khó khăn trong việc áp dụng, chưa tạo được sự chủ động cho Thấm phán khi giải quyết vụ việc phá sản, thiếu sự thống nhất về tạm ứng chi phí phá sản, chi phí Quản tài viên, doanh nhiệp quản lý, thanh lý tài sản.
- Điều 45, Điều 46 Luật Phá sản quy định việc chỉ định, thay đổi Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, nhưng chưa giả định tình huống nếu không có sự thống nhất giữa Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì xử lý thế nào dẫn đến sự lúng túng cho Thẩm phán.
- Khoản 1, Khoản 2 Điều 109 Luật Phá sản quy định thời hạn gửi và thông báo quyết định tuyên bố phá sản (trong đó có việc đăng trên cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp quyết định tuyên bố phá sản) là 10 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định nhưng tại Khoản 2 Điều 111 Luật Phá sản lại quy định trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố phá sản, nguời được thông báo có quyền đề nghị xem xét lại, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định tuyên bố phá sản.
- Luật Phá sản và Luật Thi hành án dân sự đều quy định thẩm quyền tổ chức thi hành quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án là của cơ quan thi hành án dân sự, Khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hạn ra quyết định thi hành án đối với quyết dịnh tuyên bố phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định. Tuy nhiên, tại Khoản 1 Điều 120 Luật Phá sản quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành”. Như vậy, thòi hạn để cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản của Luật Thi hành án dân sự và Luật Phá sản là không thống nhất.
- Tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC quy định chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản bao gồm thù lao Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản và chi phí khác. Tuy nhiên, Nghị định trên mới chỉ quy định chi phí thực hiện phá sản trong trường hợp Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện còn trong trường hợp Chấp hành viên thực hiện cưỡng chế để thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản (Điểm c Khoản 2 Điều 120 Luật Phá sản) và thực hiện việc thanh lý tài sản (Khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản) thì chưa quy định rõ ai là người phải chi trả những chi phí trên. Hiện nay chưa quy định cụ thể trong thời hạn 02 năm thực hiện việc thanh lý tài sản Quản tài viên, Doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có được thanh toán chi phí hay không và chi phí này sẽ được áp dụng theo khoản mục nào của Điều 21 Nghị định số 22/2015/ND-CP.
- Nghị định 22/2015/NĐ-CP cũng chưa quy định rõ ràng cách xác định thù lao Quản tài viên (nếu tính theo giờ làm việc thì cụ thể thời gian làm việc như thể nào được tính thù lao và mức tính thù lao/giờ là bao nhiêu, nếu tính theo mức thù lao trọn gói thì cá nhân, tổ chức nào xác định mức trọn gói này, sự thỏa thuận ra sao và thỏa thuận tại thời điểm nào, hình thức thỏa thuận, ... chưa được quy định cụ thể; cách tính thù lao Quản tài viên cũng chưa được quy định cụ thể theo từng giai đoạn của thủ tục tuyên bố phá sản).
- Nghị định 22/2015/NĐ-CP chưa quy định cụ thể Quản tài viên có là đại diện của doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện pháp luật theo quy đinh tại khoản 2 Điều 16 Luật Phá sản trong giai đoạn thanh lý tài sản được quy định tại khoản 4 Điều 121 Luật Phá sản (giai đoạn sau khi có Quyết định tuyên bố phá sản).
- Hiện nay chưa có quy định việc Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện báo cáo cho Chấp hành viên Cơ quan Thi hành án dân sự việc xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trước khi Tòa án giải quyết vụ việc phá sản ban hành Quyết định tuyên bố phá sản.
- Đối với việc Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản phải thực hiệc việc chuyển tiền sau khi đã thanh lý tài sản Luật Phá sản và Nghị định 22/2015/NĐ-CP nêu trên chưa quy định cụ thể thời hạn chuyển tiền dẫn đến việc Quản tài viên, doanh nghiêp quản lý, thanh lý tài sản không thật sự chủ động. Việc này chỉ được xác định cụ thể cho đến khi Thông tư liên tịch số 07/2018/TTLT-BTP-VKSNDTC- TANDTC được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2018, tuy nhiên sau khi nhận được văn bản của Cơ quan thi hành án dân sự việc chậm trễ trong chuyển tiền sau khi đã thanh lý tài sản vẫn chưa được Quản tài viên quan tâm và khẩn trương thực hiện. Mặt khác, chưa có quy định rõ ràng và cụ thể số tiền do Quản tài viên thu được từ việc thanh lý tài sản sẽ được gửi vào tài khoản tiết kiệm theo loại hình tiết kiệm có hay không có kỳ hạn, cách thức xử tiền lãi trên số tiền gửi. Chưa có cơ chế xử lý việc Quản tài viên chậm thực hiện chuyển tiền thanh lý tài sản cho Cơ quan thi hành án dân sự.
- Chưa quy định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của Quản tài viên trong trường hợp không hoặc chậm chuyến tiền thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho Cơ quan thi hành án dân sự để đảm bảo quyền lợi cho các chủ nợ; Nghĩa vụ, trách nhiệm của Quản tài viên trong trường hợp chuyển giao hồ sơ phá sản cho Cơ quan thi hành án dân sự theo quy định tại Điều 121 Luật Phá sản để đảm bảo việc tổ chức thi hành án theo đúng quy đinh pháp luật về Thi hành án dân sự.
V. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản và kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật
Qua công tác tham mưu quản lý hoạt động quản lý, thanh lý tài sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Tư pháp đề xuất, kiến nghị Bộ Tư pháp một số giải pháp như sau:
- Kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 22/2015/NĐ-CP để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, thanh lý tài sản. Về lâu dài, kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Phá sản (trong đó có nội dung về quản lý, thanh lý tài sản) cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
- Kiến nghị Bộ Tư pháp xây dựng cơ chế phối hợp giữa Tòa án, Viện Kiểm sát, Cơ quan Thi hành án dân sự, ngân hàng, cơ quan thuế, Bảo hiểm xã hội để nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, thanh lý tài sản; phối hợp xây dựng bộ tài liệu - sổ tay cho Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên và Quản tài viên nắm bắt nhanh về trình tự thủ tục, vai trò, chức năng, công việc trong hoạt động giải quyết vụ việc phá sản.
- Kiến nghị Bộ Tư pháp tổ chức đào tạo nghiệp vụ quản lý, thanh lý tài sản trước khi cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên, cũng như tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về quản lý, thanh lý tài sản theo định kỳ hàng năm cho các Quản tài viên và doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.
- Kiến nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức hành nghề luật sư nếu có nguyện vọng đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản thì đăng ký bổ sung hành nghề mà không phải đăng ký mới doanh nghiệp hành nghề quản lý, thanh lý tài sản như hiện nay.
- Kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét hướng dẫn cho các Tòa án địa phương về mức tạm ứng chi phí phá sản (có những căn cứ để ước tính chỉ phí cho phù hợp), hướng dẫn về thời hạn niêm yết danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ theo quy định tại các Điều 67 và 68 Luật Phá sản.
- Đề xuất Bộ Tư pháp nghiên cứu xây dựng Cơ sở dữ liệu (Phần mềm quản lý) tổ chức, cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản trên phạm vi cả nước.
- Đề xuất các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực này để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai sót, vi phạm.
Từ khoá: